Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

KHÁNH THÀNH ( ký sự)


Sáng thứ 7( 14/9/2019) 2 xe đón chúng tôi tại nhà Văn hóa quận Thanh Xuân để lên đường về Bá Thước khánh thành trường, đây cũng là địa điểm tập kết mà khóa chúng tôi thường chọn vì tiện đường xá cũng như chỗ gửi xe. Hành trang của tôi là cây guitar và vài cái quần đùi nhét vào ngăn đàn. Ra đến nơi đã gặp mọi người tập trung đông đủ, ai nấy đều hồ hởi khi sắp được chứng kiến một sự kiện quan trọng. Một số bạn còn đưa cả gia đình đi cùng. Dâu rể của khóa đã đôi lần chia sẻ về sự ngưỡng mộ dành cho lũ chúng tôi về sự đoàn kết cũng như khả năng ăn chơi không biết mệt mỏi, haha! Tôi nghe tâm sự cũng thấy tự hào vì sinh ra cầm tinh con mèo mà cái lũ mèo 75 như tôi toàn những đứa ham chơi giống nhao, một số đứa học sớm và học muộn hơn chúng tôi cũng bị đồng hóa theo.
- Xe bon bon trên đường Hồ Chí Minh giữa mùa thu ngập nắng, hai bên đường lúa đã chín vàng ruộm, phong cảnh thật hữu tình khiến tâm hồn ai cũng rạo rực như thuở đôi mươi. Tiếng cười tiếng nói trên xe không ngớt sau những màn pha trò của danh hài Hòa Mật sơn và Ngọc xích lô. Lũ con gái được thể cười rũ rượi, nét duyên dáng thường ngày của chúng biến đâu mất mà thay vào đó là hình ảnh của những cô cậu học trò tinh nghịch hệt hồi phổ thông. Học với nhau từ bé nên cả lũ ko cảm thấy ngại ngùng khi được sống thật với chính mình, đứa nào đứa nấy nói bậy nói tục như ranh cứ như chưa hề được nói bởi chỉ tận dụng thời gian 1, 2 ngày thoải mái, về nhà là lại im như thóc. Chúng tôi cũng biết ý khi đẩy đồng bọn đi cùng gia đình sang xe kia, giành lấy sự tự do bên xe này.
Gần trưa, xe về đến thị trấn Cành Nàng của huyện, cả đoàn dừng chân bên đường nghỉ ngơi và ăn trưa cùng với đoàn đi từ TP Thanh Hóa lên. Đại diện một số anh em Phòng giáo dục huyện ra tiếp đón và trao đổi một số nội dung chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành. Độ hai giờ chiều, xe đưa đoàn vào trường, không ai nói với ai nhưng tất cả mọi người trên xe đều hồi hộp và mong ngóng được nhìn thấy ngôi trường mà do cả khóa chung tay góp sức xây dựng dành tặng cho bà con Thiết Ống. Xe chậm rãi đi vào khu vực sân vận động phía trước cổng trường, một khung cảnh trang hoàng hiện lên trước mắt khiến tất cả mọi người đều sững sờ và xúc động, chiếc rạp lớn cùng với sân khấu được trang hoàng lộng lẫy đã dựng lên tự bao giờ, hai bên cổng trường, khoảng 30 cô giáo mặc váy truyền thống của dân tộc Thái cùng với các cháu nhỏ xếp thành hai hàng tiếp đón chúng tôi, trong mắt họ đều tỏ rõ sự biết ơn vô hạn, tôi đưa mắt một lượt bắt gặp bông hoa bản gặp hôm về khảo sát, em nhẹ nhàng lại gần và vui mừng nói với tôi: thật không thể tin được anh ạ! Công trình của chúng ta đã hoàn thành đúng tiến độ và giấc mơ của chúng em đã thành hiện thực rồi! cám ơn các anh chị vô cùng! Tôi cũng gặp cô Hiệu trưởng Tân, người sát cánh cùng chúng tôi làm nên ước mơ cho bà con dân tộc vùng cao. Như thường lệ, cô xông xáo chỉ đạo, phân công cho các cô trong trường dẫn chúng tôi vào trong tham quan công trình. Hàng ngày chúng tôi cũng cũng theo dõi tiến độ qua hình ảnh trên zalo thì hôm nay được chứng kiến tận mắt mới thấy công sức của chúng tôi cũng như các cô, các chú bộ đội và người dân đã hàng ngày hằng đêm bỏ ra là như thế nào. Công trình đẹp hơn trong tưởng tượng của tôi rất nhiều, dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, trong phòng học đã được trang trí rực rỡ đúng với chủ đề của các con lứa tuổi mầm non. Đi tham quan 1 vòng, đâu đâu cũng gặp người dân địa phương chào hỏi và bắt tay cảm ơn. Họ đang tất bật cho bữa cơm đãi chúng tôi, tất nhiên trước đó chúng tôi đã đặt mua 2 ông lợn bản nhờ bà con làm giúp.
Anh Ngọc nhanh chân vào xem toilet- tác phẩm của của mình và tranh thủ tè 1 bãi rồi cười hềnh hệch, tỏ vẻ đắc chí lắm! còn anh Yên cũng vội vàng vào bếp ngó lại những chi tiết mà mình vẽ, tất cả đều hoàn hảo giống y như chỉ đạo của anh từ lúc công trình được khởi công. Phòng học chính là đẹp nhất khi được khoác trên mình chiếc áo bảy sắc cầu vồng, nghe đâu xuất phát từ sở thích về màu của một vật mà 2 chị Hòa, chị Nga đã từng nâng niu và ấn tượng một thời. Các bạn nam nhanh chóng dỡ 150 chiếc ghế nhựa đúc mua ngoài Hà Nội tặng cho trường xếp vào trong lớp học vì từ trước đến giờ, các cháu chỉ ngồi trên những chiếc ghế gỗ vặn vẹo và mục nát, 150 chiếc balo mới cứng cũng được tập kết vào trong phòng học dành tặng cho các cháu nhân dịp Trung thu. Bánh kẹo, quà cáp cũng được chia luôn cho các cháu đang tíu tít ngoài sân. Sau khi tham quan xong, chúng tôi ngồi vào hàng ghế đại biểu để buổi lễ long trọng được bắt đầu. Phía chính quyền có sự góp mặt của Bí Thư huyện ủy Trương Công Lịch và Phó Chủ tịch huyện Lò Văn Thắng, các anh cũng rất quan tâm đến sự kiện này nên còn có mặt từ rất sớm.
Buổi Lễ khai mạc bằng những màn biểu diễn của múa hát của cô trò trường mầm non Thiết Ống, có lẽ họ đã chuẩn bị cho sự kiện này từ mấy hôm trước nên các khâu từ trang phục đến động tác đều rất đẹp mắt. Sau phần múa hát là đến phần Chủ tịch Vũ Hòa lên phát biểu: tôi không nhớ chị đã phát biểu những gì nhưng chỉ nhớ có đoạn: cả đêm hôm qua tôi thức đến 2h sáng để gõ 16 trang chuẩn bị cho bài phát biểu hôm nay, cả Bí Thư lẫn Phó Chủ tịch đều ồ lên ngạc nhiên, một số đứa trong khóa che mồm lẻn ra phía sau cánh gà, thàng ngồi cạnh tôi thì thầm: hôm qua bà ấy mà không ôm lão Mậm già ngủ từ 10h thì tôi đi bằng đầu. haha!
Đáp Lễ, anh Thắng Phó Chủ tịch cũng lên phát biểu, anh cũng nói chuẩn bị 20 trang nhưng do chỉ Hòa phát biểu bằng trái tiêm nên anh ấy cũng nói từ trái tiêm, tóm lại là họ cảm ơn rất rất nhiều vì trong mấy nhiệm kỳ mà họ làm, chả ai thực hiện được điều này, chỉ khi có bàn tay chúng tôi thì giấc mơ của bà con vùng cao mới thành hiện thực. Sau phần Lễ là đến phần Hội Trung Thu Trăng ngọt dành cho các cháu, Chúng tôi cũng chu đáo khi đem theo cả diễn việc xiếc của Liên đoàn xiếc Việt nam và Mc chuyên nghiệp từ ngoài Hà Nội vào dành tặng cho các cháu các tiết mục đặc sắc và ý nghĩa mặc dù đêm Trung Thu đã qua 1 ngày. Người dân ở đây nói với chúng tôi là từ bé đến giờ mới được xem những tiết mục đặc sắc cũng như buổi lễ hoành tráng như vậy, họ cũng chưa từng nghe ai cầm guitar hát mà chỉ nghe organ trong các buổi đám cưới và cả những buổi giao lưu văn nghệ của xã. Phần Hội tiếp tục với bữa cơm chung mời tất cả mọi người giao lưu, trên này họ chiêu đãi chúng tôi những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi bàn đều được bố trí một cô giáo và 1 anh bộ đội tiếp rượu khiến chúng tôi say mèm. Tôi phải né bằng cách cầm guitar chơi để khuấy động phong trào và cho cuộc nhậu chuyển hướng. Các ca khúc rộn rã vang lên cũng là lúc những màn nhảy sạp, màn lửa trại sôi động thi nhau tiếp diễn cho đến tận đêm khuya. Chúng tôi ra về trong sự bịn rịn của các cô giáo vùng cao, mỗi cô túm một tay tôi không cho về, có cô còn thì thào bên tai: anh nhất định phải quay về đây với chúng em đấy nhé! Khổ nhất là anh Ngọc, da anh vốn đã đen lại bị lẫn trong đám đông và bóng tối nhưng tôi vẫn nhận ra bởi có đến 10 cô ôm lấy anh thút thít mặc cho chị vợ đi cùng dắt 2 đứa con thơ đứng từ xa nhìn với tâm trạng rối bời không biết phải làm gì…Lúc trên xe, anh ta còn dọa vợ: nếu sau này mà không tử tế với chồng, anh ta sẽ xách ba lô với 3 quần sịp rách lên đường về Thiết ống ở, tức khắc có người đón ngay ở đầu cầu. Chị vợ im thin thít ko nói được câu nào...
Đoàn chúng tôi về ngủ tại bản Đôn, một bản đẹp tuyệt tại Pù Luông nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, không khí ở đây dễ chịu như trên Sapa, Trăng 16 vằng vặc tỏa ánh sáng khắp những thửa ruộng bậc thang đang trong thời kỳ lúa chín, hương lúa dìu dịu lẫn với mùi của đồng quê khiến cả lũ không ngủ được, tôi mang guitar ra ngồi nghêu ngao hát cùng chúng bạn trong vườn đến tận nửa đêm mới chịu đi ngủ. Sáng hôm sau cả đoàn rời bản Đôn đi thác Hươu, đây là con Thác cực kỳ đẹp của huyện Bá thước khuất sau dãy núi Cổ Lũng, đường đi lại khó khăn nên chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy khoảng mấy trăm mét mới vào được đến nơi. Huyện rất chu đáo khi đưa ra lời đề nghị mời cả đoàn bữa trưa ngay bên cạnh thác Hươu, khi đến thì mọi thứ đã sẵn sàng, chúng tôi tắm Thác, chụp ảnh xong chỉ việc ngồi vào mâm. Vẫn là cô Hiệu trưởng, anh Phó phòng giáo dục huyện, anh Phó chủ tịch Huyện ngồi đấy từ bao giờ để đón khách quý. Sau những lời chúc tụng, cám ơn… Cô Hiệu trưởng mới tâm sự thật lòng: Anh ạ! Hôm bọn anh lên giới thiệu cựu học sinh Lam Sơn khóa 89-92 tài trợ cho trường, cả đêm em không ngủ được vì lo. Em ngưỡng mộ các anh các chị đã lâu nên tự hứa với mình là sẽ thật cố gắng, thật chu đáo để không làm các anh chị thất vọng về chúng em và cũng đáp lại tình cảm của các anh các chị dành cho trường chúng em, cô nói với một tình cảm chân thành nhưng tôi thấy trong mắt cô cứ ầng ậc nước vì xúc động. 
- Giờ chia tay cũng đến, đoàn chúng tôi theo đường cũ ra về, ai cũng mang một tâm trạng chung đó là sự phấn khởi, sự tự hào khi việc làm ý nghĩa của chúng tôi đã được ghi nhận, nó giúp cho cô trò từ nay không còn chịu cảnh thiếu phòng học, cảnh dột nát, cảnh không bếp, không nhà vệ sinh, không nước sạch mà họ đã phải chịu đựng suốt mấy chục năm trời. Biết đâu đấy cũng từ ngôi trường này, các thế hệ con cháu họ sẽ ý thức được việc làm của chúng tôi mà mang tâm huyết của mình xây nên những ngôi trường to hơn, hiện đại hơn. Trong những con người ấy sau này, lại cũng biết đâu lại xuất hiện cả những cháu bụng phệ, mặt đen, giống hệt như một ai đó trong khóa sẽ cầm míc lên phát biểu bài diễn văn 20 trang trong 1 buổi Lễ trọng đại…chắc ngày ấy cũng không còn xa!

XÂY TRƯỜNG ( Ký sự)


Mùa thu, nắng vàng như mật ong cũng là lúc khóa chúng tôi kéo nhau lên Bá Thước khánh thành trường mầm non Thiết ống, ngôi trường được khóa tài trợ vừa cải tạo, vừa xây mới trong vòng vỏn vẹn 17 ngày kể từ lúc khởi công. Tính cả hôm lên ý tưởng và khảo sát là đúng 20 ngày, một kỷ lục về thời gian trong điều kiện thời tiết cũng không thuận lợi khi có đến 3 ngày giời mưa.
Để hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ, bao gồm xây mới 2 phòng học, 1 nhà vệ sinh, một bếp ăn, một giếng khoan, láng toàn bộ sân, trát và sơn lại hàng rào, tường phòng học cũ, lợp lại toàn bộ mái tôn của phòng học cũ cùng với một số việc khác cả một sự cố gắng và nỗ lực của cả khóa chúng tôi cũng như sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng và nhiệt tình của các cô giáo, bộ đội biên phòng, phụ huynh học sinh cũng như bà con địa phương để ngôi trường dần được hình thành và thay da đổi thịt giữa vùng cao trong sự chờ đón và mong mỏi của người dân cũng như chính quyền địa phương mà theo như họ nói là giống như một giấc mơ, giấc mơ mà họ chỉ dám mơ hằng đêm trong suốt mấy chục năm qua.
Giấc mơ của họ xuất phát từ ý tưởng của chủ tịch Vũ Hòa, chủ tịch thường niên khóa lamson89.92 chúng tôi trong năm 2019. Tiến sỹ Hòa đã đi nhiều và tham gia nhiều công tác xã hội nhưng Hòa vẫn trăn trở là phải làm một điều gì đó cho bà con vùng cao nghèo khó của quê hương mà chưa làm được trong khi nhiệm kỳ chủ tịch cũng đã sắp hết. Nhấc máy alo gọi cho chúng tôi triệu tập gấp một cuộc họp bất thường tại quán lòng lợn, chị Hòa đứng lên trình bày về ý tưởng và mong muốn của mình, chị phàn nàn về việc chủ tịch mà cứ suốt ngày phải đi đám ma tiễn các cụ thân sinh ra thành viên trong khóa ra đồng mà thấy nản, mẹt lúc nào cũng trong tình trạng đưa đám. Lũ chúng tôi sau khi đánh chén say mèm thì đều giơ tay ủng hộ để biến ý tưởng của Chủ tịch thành hiện thực. Điểm chúng tôi lựa chọn để đi khảo sát là do chị Cao Mai làm bên ban tuyên giáo tỉnh giới thiệu, đó là một trường mầm non nằm ở xã Thiết Ống thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa như trong ký sự tôi đã viết ở kỳ trước. Sau khi khảo sát về, thấy đây là địa điểm phù hợp để tài trợ, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc vì lời hứa với các cô giáo và bà con trên đấy là sẽ khánh thành vào dịp trung thu, tức là còn độ 20 ngày. Tôi được chị Hòa giao nhiệm vụ vừa tham gia vào chuyên môn cùng anh Hoàng Ngọc, anh Đỗ Yên, vừa đảm nhiệm khâu truyền thông của khóa. Gọi truyền thông cho oai chứ cũng biết đếch gì đâu, chỉ cảm nhận được gì thì viết nấy để hô hào, kêu gọi bà con cả khóa chung tay, thế thôi! Ngay trong đêm hôm đó, tôi ngôi viết một mạch bài ký sự vùng cao bốt lên group để mọi người có cái nhìn tổng thể về địa điểm mà chúng tôi đã nhắm đến và cũng rất may mắn là địa điểm này mọi người đều đồng ý lựa chọn. Anh Hoàng Ngọc và Đỗ Yên được phân công phụ trách mảng thiết kế, ký hợp đồng với nhà thầu và triển khai công việc tại hiện trường. Chúng tôi cũng lập ngay mấy group nội bộ để tiện việc liên lạc, trao đổi giữa nhóm chúng tôi với nhà trường để công việc được cập nhật hàng ngày và hàng giờ. Về phía nhà trường, cô hiệu trưởng Tân triệu tập gấp một cuộc họp phụ huynh để thông báo về việc tài trợ này, bà con địa phương đã vô cùng phấn khởi và nhiệt liệt hưởng ứng ngay. Sự khởi đầu suôn sẻ cho công tác chuẩn bị khiến lũ chúng tôi rất phấn vui nhưng lại canh cánh một nỗi lo: Tiền- ở đây là tiền phải huy động gấp trong thời gian cực ngắn để lo rất nhiều việc: từ việc tạm ứng cho nhà thầu đến việc phải mua sắm các trang thiết bị cho nhà trường....Chủ tịch Hòa là người lo lắng nhất vì đã trót hứa với nhà trường và chính quyền địa phương, chị Hòa còn bàn với chúng tôi về phương án cuối cùng khi chưa huy động được đủ là sẽ mang tiền nhà ra ứng trước để công việc được đúng tiến độ. Chúng tôi cũng an ủi Hòa và nói rằng cứ yên tâm vì qua 1 số việc đã từng chứng kiến thì mới thấy rằng sự đoàn kết của cả khóa như thế nào, đây lại là việc cực kỳ ý nghĩa như thế này thì chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ thôi! Lời kêu gọi của chị Hòa đã được đăng tải ngay sau đó và đã nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của cả khóa và cả những khóa khác, chúng tôi phân theo đơn vị lớp, ai đóng góp riêng thì cũng xin cám ơn hết. Nga Tý hon được phân công làm thủ quỹ, những tiếng ting ting phát ra tin nhắn báo tiền đến của nàng rộn rã trong suốt 2 tuần không ngừng nghỉ. Chỉ một thời gian ngắn, số tiền chúng tôi kêu gọi đã đủ, ngoài ra một số bạn còn muốn ủng hộ thêm về vật chất nhưng chúng tôi phải tạm dừng để dành cho nhiệm kỳ sau. Tại Bá Thước, nhờ sự nhanh nhẹn, rất biết việc của cô Hiệu trưởng và nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, những viên gạch đầu tiên cũng đã được xây trên bãi đất hoang trong khuôn viên nhà trường với sự tham gia đông đảo của các anh bộ đội, phụ huynh học sinh, người dân sống quanh đấy. Những hình ảnh nhộn nhịp tại công trường được truyền tải liên tục cho chúng tôi. Có những hình ảnh vô cùng xúc động khi xuất hiện cả những cụ già tóc đã bạc cũng tham gia xây trường, họ làm mà không phân biệt tuổi tác, mỗi người một tay, người thì xúc đất, người đào móng, người xách vữa…dưới sự đôn đốc của Tổng chỉ huy Ngọc Long và sự phối hợp nhịp nhàng của Hiệu trưởng đã chạm tới trái tim của các bạn trong khóa và cả các khóa khác. Ngôi trường từng ngày từng giờ dần hoàn thiện và kịp tiến độ mà chúng tôi đã vạch ra trong sự hân hoan của tất cả mọi người.
Việc còn lại là sự chuẩn bị cho Lễ khánh thành, việc này thì khóa tôi đã có những bạn làm cực kỳ chuyên nghiệp và chu đáo dưới sự điều hành chung của chị Hòa, đó là Đặng Kiên, Hương Pháp, Thủy Toán, Thiêm A7… Ngoài này sự phân công được chi tiết đến cho từng người, mọi người còn tự bảo nhau mỗi người một tay để cho buổi Lễ diễn ra được suôn sẻ và tốt đẹp. Trong kia, các cô giáo cũng ở lại ngoài giờ để trang trí cho ngôi trường mới thêm lộng lẫy và làm đồ chơi cho các cháu để chuẩn bị đón Tết trung trăng ngọt-Tết trung thu mà chắc sẽ lưu lại mãi trong tâm trí của mỗi người…( còn tiếp)
( Trong bài viết này còn rất rất nhiều bạn của khóa và cả ngoài khóa tôi chưa nêu tên, nhưng tấm lòng của các bạn sẽ mãi mãi được ghi nhận và sẽ được tổng hợp danh sách để gửi tới cho cả khóa được biết, xin thay mặt chủ tịch Hòa Vũ cám ơn tất cả mọi người và tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi là thành viên của danlamson 89-92 cùng với các bạn.)

MỘT CHUYẾN KHẢO SÁT VÙNG CAO ( Ký sự )

MỘT CHUYẾN KHẢO SÁT VÙNG CAO ( Ký sự )
Sau vài lần bàn bạc trên bàn nhậu, khóa chúng tôi cũng thống nhất địa điểm khảo sát để làm từ thiện trong năm 2019 là trường mầm non thuộc huyện Bá Thước- 1 huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.
-Đúng 6 rưỡi sáng thứ sáu, chúng tôi tập trung dưới nhà Ngọc Long để chuẩn bị lên đường. Đoàn khảo sát chia làm 2 mũi, một mũi đi từ Hà Nội gồm Chủ tịch Hòa, Ngọc lớp F, Linh lớp A4 và tôi. Mũi kia đi từ TP Thanh Hóa lên. Hòa chủ tịch cũng đã lựa chọn những người như chúng tôi, phần vì ba thằng tôi đều là zai đẹp, phần vì cũng chém gió thành thần, ngồi trên xe buôn chuyện để bớt đi căng thẳng trong suốt quãng đường dài. Tôi đến địa điểm tập kết khá sớm, khi tiết trời vẫn còn vương vất cái lạnh của đêm để lại. Bên đường đã thấy Linh xách cặp đứng đợi, được một lúc thì Hòa chủ tịch cũng bắt taxi tới. Hòa chủ tịch hôm nay ăn mặc lộng lẫy khác hẳn mọi hôm, chiếc áo cánh dơi diêm dúa màu đỏ chấm được cách điệu cầu kỳ, tôn thêm vẻ đẹp của tuổi 44, một cái tuổi hoàng hôn của phụ nữ nhưng với gái khóa chúng tôi thì còn lâu! vẫn chỉ là bình minh mới rạng. Trong thời gian đợi Ngọc xuống, 3 đứa vào ăn sáng tại một tiệm phở bò dưới khu chung cư mà theo anh Ngọc là điểm sáng về văn hóa ẩm thực trong cái khu này. Chủ tịch chu đáo lôi trong ba lô ra chai Mô-kích 18 lấy trộm được của lão Mậm già rót bảo chúng tôi uống thử, mụ ấy khoe rượu này hiệu nghiệm lắm, bọn ông uống xong đêm nay sẽ phát huy liền. Tôi nghe bùi tai làm đôi chén, hừng hực khí thế để lên đường…
- Xe Ngọc Long đưa chúng tôi theo Quốc lộ 6, Chủ tịch được ưu tiên ngồi ghế trước, ngay cạnh anh Ngọc.Tôi và Linh lê phê vì rượu ngồi sau. Đường này đang trong giai đoạn thi công nên lổn nhổn đất đá khắp nơi, ổ gà ổ voi đầy rẫy, đít đứa nào đứa nấy nhấp nhổm chỉ chực bay ra khỏi ghế sau những cú đánh lái của tài mà theo lời kể của anh ấy thì kinh nghiệm đường rừng anh đã có thâm niên trên 20. Sau một hồi vật lộn với quãng đường QL6 đầy chật chội và lởm khởm chúng tôi rẽ vào đường Hồ Chi Minh, nắng bắt đầu xuất hiện sau những ngày mưa ngâu dài dài trong tháng cô hồn. Đường tuyệt đẹp, cảnh vật hữu tình nên câu chuyện trên xe cũng trở nên rôm rả hơn. Chúng tôi buôn khá nhiều chủ đề, từ cuộc sống, gia đình, con cái đến chuyện yêu đương nhăng nhít hồi sinh viên…Lúc này văn xích lô của gã lái xe mới được dịp phát huy, gã kể cho chúng tôi về cuộc sống đầy màu sắc của gã, từ chuyện định hướng nghề nghiệp cho con đến chuyện chồng vợ, nghe đâu gã đang bị vợ cấm vận cả tháng mà không cho mần cái nào lại còn chửi gã là ham chơi, gã kể bình thường thì tuần nào cũng đều đặn 3 cái, giờ vợ gã ko cho nằm cạnh, gã ôm gối sang phòng khác nằm, không cho mần thì bố càng nhàn! gã vừa nói vừa hềnh hệch cười đầy vẻ khoái trá. Khi kể về con cái, giọng gã trùng hẳn xuống, gã nói bây giờ chỉ lo các con vì tuổi cũng không còn trẻ nữa rồi, trong khi lại mỗi đứa một nơi. Sự ham hố quá đà của tuổi trẻ làm gã ân hận, tuy nhiên bản tính lạc quan khiến gã không ngậm ngùi lâu mà cất ngay 1 câu hát quen thuộc : em còn con anh cũng còn con, ước gì ta được dồn con một nhà…khiến lũ chúng tôi cười suýt đái mẹ ra xe.
- Xe rẽ vào đường quốc lộ 217 theo sự chỉ dẫn của anh google, đường này xuất phát từ quốc lộ 1A thuộc huyện Hà Trung đi đến tận cửa khẩu Na mèo trên biên giới Việt Lào. Quốc lộ đang thi công theo theo nhiều gói lẻ nên có đoạn thì hoàn thiện, đoạn thì dở dang nên cứ sung sướng được 1 lúc thì lại phải chịu cảnh đày ải. Anh Văn xích lô quả là có kinh nghiệm về đường miền núi nên anh bảo dùng xe anh để đi là quyết định chính xác bởi nếu đi xe gầm thấp thì chỉ có mà khóc giữa đường. Theo google chỉ thì quãng đường cũng dần được rút ngắn lại, vùng cao Thanh Hóa như một bức tranh thiên nhiên trong tiết trời đầu thu, đoạn chạy qua huyện Bá Thước dọc theo sông Mã, bên đường lúa đương thì còn gái tạo nên tấm thảm phủ xanh khắp mặt ruộng, Những dải sương trắng vờn quanh đỉnh núi được ánh mặt trời chiếu vào sáng rực, lung linh và đầy huyền ảo. Chúng tôi không dám nhìn đường mà chỉ nhìn núi và ruộng để tự cảm xúc cho riêng mình, trong bụng cũng thầm nghĩ về sự may mắn được ở dưới xuôi với điều kiện sống là quá tốt khi phải chứng kiến những em bé ăn mặc len nhem rách rưới đứng 2 bên đường vẫy theo xe chúng tôi…
- 2 đoàn khảo sát gặp nhau tại cổng UBND xã Thiết Ống, xã này chủ yếu là bà con người Mường và người Dao sinh sống, điều kiện kinh tế còn khá khó khăn khi nó lại không nằm trong diện mà được nhà nước bảo trợ . Xe của đoàn Thanh Hóa gồm có Yên mèo, Hà seo và chị Cao Mai-Chị Mai làm ở ban Tuyên giáo tỉnh Ủy nên chị hiểu rất rõ về đời sống sinh hoạt cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con vùng cao, chị cũng là người giới thiệu cho chúng tôi về địa điểm mà chúng tôi đi khảo sát lần này. Xe Yên dẫn chúng tôi vào địa điểm của trường, từ Quốc lộ 217 vào còn 1 quãng cũng khá xa, đường đi là cực kỳ khó khăn vì nó đúng với tính chất của đường vùng cao miền núi, những dãy nhà sàn thấp thoáng sau lùm cây ven đường được điện thoại của tôi quay lại mà nó cứ trồi trụt lên xuống từng hồi theo nhịp bánh xe vướng phải đá, đoạn clip được ngắt quãng bởi xe đã dừng trước cổng trường MN Thiết ống, đứng ngoài ngó nghiêng một lúc thì cô hiệu trưởng tên Tân và Phó phòng giáo dục huyện tên Thạch đèo nhau trên chiếc Dream Tàu cũ đến mở cửa cho chúng tôi. Trường học đây ư! Anh Văn xích lô ồ lên tỏ vẻ ngạc nhiên khi những mảng tưởng bong tróc hiện ra trước mắt, một kỹ sư đã hai bằng Đại học Xây dựng và Giao thông như anh cũng bảo lần đầu tiên gặp 1 công trình nhà nước mà lại cũ kỹ đến như thế, vết thời gian hằn trên những mảng tôn đã mục kéo theo những giọt nước rơi tong tong khắp cả lớp. Dấu tích của trận lụt năm nào đang còn để lại trên lưng chừng tường. Chúng tôi được cô Hiệu trưởng giới thiệu sơ qua về tình hình của trường: nghe đâu trường hiện có ba điểm phân tán khăp nơi trong xã, sang cả bên kia sông. Hiện lớp không phân được độ tuổi theo chuẩn của Bộ mà gộp tất mầm, chồi, lá lại với nhau vì thiếu phòng học. Trường cũng không có bếp để ăn bán trú nên cứ đến gần trưa, đồng bào lại phải đưa con cháu họ về ăn cơm nhà và chiều lại tiếp tục chởi đến học. Rất ngạc nhiên vì ở đây không có nhà vệ sinh, khi được hỏi, cô Hiệu trưởng chỉ ra góc vườn, nơi có mấy cành cọ khô được cài tạm bợ trên những que tre cắm xung quanh và nói với chúng tôi: Nhà WC của bọn em đó anh ạ! Bọn em phải cố nhịn để về nhà, có hôm có cô buồn quá chui vào giải quyết, gặp phải con hổ mang bành trong bụi tre chui ra, cứ ngóc đầu dậy nhìn, hãi quá từ đó các cô thôi luôn.!
Chúng tôi đo đạc và bàn bạc về phương án để sửa chữa khắc phục phòng học cũ và xây mới thêm 2 phòng học, 1 bếp và 1 nhà wc cho trường, khi được hỏi về bể nước sinh hoạt, cô Hiệu trưởng chỉ cho chúng tôi cái bể đen ngòm, đầy những con nòng nọc đang tung tăng bơi lội mà anh Ngọc đang lột trần bụng và ngồi lên trên thành bể . Quả là khiếp vía khi hình dung ra các cháu, mầm non của đất nước lại phải rửa chân bằng cái thứ nước kia, chúng tôi không khỏi xót xa!
- Cô Hiệu trưởng rơm rớm nước mắt khi chia sẻ nỗi cơ cực với chúng tôi, cô bảo gọi là Hiệu trưởng cho oai thôi, chứ em cũng chả có phòng nào riêng anh ạ! Cô và trò sinh hoạt chung với nhau tất, Bọn em đã đề nghị từ lâu rồi nhưng từ khi xây ngôi trường này cách đây 2 chục năm đến bây giờ vẫn y nguyên , sự thiếu thốn nó đã thành quen và công cuộc trồng người của bọn em thì vẫn phải tiếp tục, 30 cô giáo ở đây dưới sự động viên của em và của cả PGD vẫn cứ bám trụ và đưa những mầm non vượt qua chuyến đò đầu tiên của cuộc đời.
- Sau khi bàn bạc và lên các phương án, chúng tôi được cô giáo HT và đại đại diện PGD mời ăn cơm, họ tỏ ra vô cùng mừng rỡ, ánh mắt lộ vẻ biết ơn ngay trong buổi đầu tiên gặp gỡ, việc này cũng đã thuyết phục đoàn chúng tôi ngay vì đây là điểm mà họ cần thực sự, thiếu thốn thực sự và sự quan tâm của chúng tôi dường như đã tìm đúng địa chỉ cần tìm. Chúng tôi không đồng ý để họ mời mà chúng tôi mời ,cả đoàn tập trung tại một quán ăn nơi vùng cao được nằm ven đường quốc lộ . Bước vào thì đã thấy bày mâm sẵn từ trước, chắc là phía nhà trường cũng như PGD huyện cũng đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lần này, họ cũng chu đáo khi điều mấy cô hoa khôi của trường ra tiếp rượu. Cô xinh nhất được bố trí ngồi giữa tôi và anh Văn xích lô, anh ấy tỏ vẻ hoan hỷ lắm! tôi thì cảm thấy bình thường khi bên phải tôi cũng được bố trí một cô khác làm đối trọng. Bỏ qua chuyện công việc, chúng tôi cùng nhau nâng ly chúc mừng buổi gặp gỡ sau lời giới thiệu có phần nghiêm trang của anh Hà seo. Rượu ngon, thịt gà bản và cá suối là những món đặc trưng của bà con vùng cao đều xuất hiện trên mâm của chúng tôi-những thượng khách đang trên con đường đàm phán. Sau màn giới thiệu tên của cả 2 phía thì tôi được biết em xinh đẹp ngồi giữa tôi và Ngọc tên Hằng- một bông hoa của núi rừng nhưng chỉ tiếc là đã có chủ. Em rất ân cần rót rượu gắp thịt cho tôi mà hình như bỏ qua thằng bạn bên cạnh, thấy mấy lần nó liếc sang lộ rõ vẻ GATO nhưng tôi kệ mẹ! em thik thì em rót cho tao, thế thôi!
- Phía đối diện, chủ tịch Hòa xem ra uống rất hăng, cứ trăm phần trăm sau mỗi lần cụng ly với chính quyền, mắt long lanh lộ vẻ quyến rũ. Quyết định có đầu tư hay không nó phụ thuộc vào sự nhiệt tình của đồng bào, thế nên cậu Phó phòng giáo dục ngồi cạnh cứ liên tục gạ uống. Cậu này dưới xuôi lên làm sếp nên vấn đề ngoại giao của cậu ta thì khỏi phải bàn, hình như cậu ta còn đòi làm phi công để lái máy bay hạng nặng của khóa chúng tôi nhưng đừng hòng nhá! Còn lâu mới đến lượt mài…
Cuộc rượu thêm phần rôm rả khi xuất hiện thêm mấy cô giáo của trường khác cũng sang mâm tiếp chúng tôi, các cô người dân tộc bản chất rất thật thà, họ nâng ly mời nhiệt tình làm cho những thằng không uống được như tôi mờ cả mắt , các cô còn định mời chúng tôi đi hát Karaoke ở trong làng để thể hiện sự tiếp đón nồng hậu cũng như khoe chất giọng của núi rừng. Chúng tôi không đồng ý mà đề nghị hát tại bàn nhậu, các cô vui vẻ nhận lời tặng chúng tôi bài “ con chim non “ - một bài hát chắc có ý chê những con chim già sắp đến tuổi về hưu như chúng tôi chăng? Tôi nghe thấy anh Văn xích lô rỉ tai .
Cơm no rượu say bên cạnh gái đẹp cũng đến hồi kết thúc, Chủ tịch Hòa tính tiền với phong thái tự tin vốn có để rồi chúng tôi ra về. Trước khi lên đường, chúng tôi quay lại trường đo đạc kỹ lượng một lần nữa, tất nhiên việc này của anh Yên-Một kiến trúc sư và anh Ngọc- kỹ sư 2 bằng. Các anh lên phương án để thiết kế bếp có 2 ngăn, một ngăn để thức ăn chín và một ngăn để thức ăn sơ chế, cái bếp sau khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được bài toán ăn bán trú cho các cháu, còn phòng học và nhà WC sẽ là anh Ngọc-anh Ngọc hứa sẽ hoàn thiện bản vẽ ngay đầu tuần sau để chuyển cho bên chính quyền xã thẩm duyệt, cấp phép. Tôi phê mờ mắt nằm trong xe, sang mồm điều anh Ngọc bật máy lạnh để ngả lưng, anhNgọc vui vẻ bật chế độ mát sâu phục vụ tôi mà không 1 lời phàn nàn kêu ca gì khi mà buổi sáng, anh đã được nạp 1 củ tiền dầu.(Quỷ chi)
Chúng tôi ra về trong sự bịn rịn của nhà trường, mắt các cô giáo nhìn chúng tôi như một sự biết ơn và mong chúng tôi sẽ quay lại đây để hoàn thiện giấc mơ dang dở của cả cô và trò trong suốt thời gian dài chưa thực hiện được. Chủ tịch Hòa theo xe về Thanh Hóa, tôi và Linh lại được anh Văn xich lô đưa ra Hà Nội, quãng đường dài với chúng tôi không còn nghĩa lý gì khi chuyến đi bước đầu đã thành công tốt đẹp, vấn đề còn lại chỉ là việc vận động quyên góp và các công việc chuyên môn. Anh Ngọc chắc cũng mệt vì nói nhiều nên đi đến ngã ba đường HCM, anh dừng xe để nghỉ uống trà và rửa cái xe của anh sau chặng đường nhầy nhụa vừa rồi. Nhấm nháp xong ấm trà , tu hết cốc nước mía thì xe cũng rửa xong, chúng tôi ra về. Ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt, anh Ngọc lẩm bẩm điều gì đó về sự đen đủi khi vừa mất 4 chục tắm cho con xế thì lại mưa, mà anh đen thật! từ bé đến giờ tôi có thấy ai khen anh trắng éo đâu!
-Xe lăn bánh vội vã trên đường để kịp cho buổi chiều đón con của cả lũ, tôi say mềm nằm lịm trên ghế sau, Linh lên ghế trước ngồi. Trong cơn say mềm màng tôi mơ, một giấc mơ đẹp nhưng đầy phồn thực : Tôi mơ ngôi trường Thiết Ống đã được hoàn thiện trong sự chào đón của bà con đồng bào cùng chính quyền xã nhờ sự chúng tay của cả khóa chúng tôi . Hôm khánh thành, cả khóa kéo nhau lên đây, cùng chung vui với bà con, 2 ông lợn đã được ngả tại trận bên những hũ rượu cần lâu năm dành chỉ dành để tiếp khách quý. Chúng tôi say sưa nắm tay các cô giáo hát quanh đống lửa bập bùng trong đêm vùng cao, một bàn tay âm ấm của ai đó khẽ cầm tay khiến tôi giật mình, có cảm giác đó là tay của bông hoa rừng mà tôi gặp trong hôm khảo sát…Anh Văn xích lô là người vui nhất, anh chạy lăng lăng chúc rượu tất cả mọi người, ước mơ của anh thì luôn đơn giản như anh thường kể cho bọn lớp Lý, anh ước mình sẽ biến mình thành 2 viên gạch đặt ở một nơi trọng trong bản vẽ thiết kế nhưng chúng tôi sẽ không cho ước mơ của anh thành hiện thực bởi thay vào đó sẽ là INAX, TOTO và hơn thế nữa…
Về đến Hà Đông cũng vừa 7h tối, chúng tôi đã đi tròn 12 tiếng để thực hiện sứ mệnh cao cả mà khóa giao phó, cũng không kịp đón con, may đã nhờ được người nên tôi cũng chả phải vội. Về nhà, việc trước mắt là sẽ luộc đôi cân ốc núi mua trên đường để thưởng thức, nghe nói ốc này là đặc sản của vùng Nho Quan –Ninh Bình, ăn vào sẽ bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, cộng với sáng bú mấy chén rượu của chủ tịch mời thì xem ra là hôm nay sẽ lại là 1 ngày vất vả. Tôi có phần GaTo với anh Ngọc về môn này! anh ấy đương trong giai đoạn nhàn rỗi! 
Thật là: Ốc quê thơm vãi linh hồn
Rượu ngon Mô kích-vần “ồn” hiện ngay…